Ngành Dệt May Việt Nam
Tới 86% lao động ngành dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ mất việc vì robot và đó mới là sự khởi đầu
Công nghệ tự động hóa đang ngày một rẻ hơn khiến chi phí sử dụng máy khâu tự động sẽ rẻ hơn gấp 4 lần so với lao động thủ công vào năm 2020.
Trong 30 năm qua, ưu thế về chi phí nhân công rẻ trong ngành dệt may, da giày của Châu Á đã khiến khu vực này trở thành trung tâm của các nhà sản xuất cũng như các đơn hàng trong ngành.
Kéo theo đó, hình ảnh về sự bóc lột sức lao động, lương thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo tại các nhà xưởng cũng trở thành tâm điểm cho các tranh cãi về quyền lao động, quyền con người...
Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã chìm vào quá khứ. Châu Á đã dần mất đi ưu thế về nhân công giá rẻ khi đời sống kinh tế được cải thiện và tình trạng những xưởng sản xuất bóc lột sức lao động đang ngày càng giảm bớt.
Dẫu vậy, khu vực này vẫn là trung tâm của ngành dệt may khi các doanh nghiệp dần chuyển hướng sang sử dụng kỹ thuật công nghệ nhằm hạ chi phí trước xu thế giá nhân công ngày một leo thang.
Báo cáo mới đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong ngành này.
Đặc biệt, khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.
Rõ ràng, thời kỳ hoàng kim của chi phí lao động thấp cũng như các nhà xưởng bóc lột lao động với điều kiện kém đã qua.
Hãy lấy Campuchia làm ví dụ. Kể từ thập niên 90, nhiều nhà máy dệt may và da giày đã xây dựng tại quốc gia này nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ dồi dào từ các làng quê nghèo cũng như sự lỏng lẻo trong luật pháp để hạ chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất có thể.
Với lợi thế này, ngành sản xuất hợp đồng dệt may và da giày tại Campuchia bùng nổ mạnh mẽ.
Tính đến năm 2015, ngành công nghiệp này đã có tổng giá trị 6,3 tỷ USD và chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Campuchia.
Bất chấp điều kiện làm việc tồi tàn, lương thấp và thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, khoảng 630.000 công nhân ngành dệt may, da giày tại Campuchia vẫn phải lao động vì áp lực kiếm tiền.
May mắn thay, sự phát triển kinh tế cùng điều kiện sống khiến mức lương bình quân tại đây đã gia tăng từ 145 USD/tháng lên 175 USD/tháng trong khoảng 2014-2015. Xu thế này không chỉ diễn ra tại Campuchia mà còn trên toàn Châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam.
Báo cáo của hãng Korn Ferry thuộc tập đoàn Hay Group, mức lương tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan sẽ tăng tương ứng khoảng 6,3%, 7,3% và 6,1%, thuộc hàng tăng mạnh nhất Châu Á.
Kể từ đây, những hệ lụy bắt đầu nảy sinh. Trong khi cạnh tranh trong ngành dệt may, da giày ngày càng tăng khiến giá hợp đồng đi xuống, chi phí nhân công tại các nhà máy lại đi lên, tạo nên nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất ở Châu Á cũng như Campuchia.
Trong khoảng 2006-2015, giá bình quân sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ đã giảm 24%.
Trước tình hình trên, các nhà máy tận dụng lao động giá rẻ chỉ có vài lựa chọn, hoặc đóng cửa hoặc di chuyển sang những khu vực có chi phí nhân công thấp hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn bởi chẳng sớm thì muộn, giá nhân công tại những nước này sẽ lại tăng khi kinh tế và mức sống đi lên.
Để đối phó với tình hình này, nhiều nhà máy đã đàm phán lại với các thương hiệu lớn như Nike, H&M hay những công ty chuyên thuê ngoài sản xuất nhằm nâng mức giá hợp đồng. Trong khi đó, một số công ty khác lại chọn giải pháp nâng cao sức sản xuất.
Với vị thế quá mạnh của các thương hiệu trong ngành dệt may, da giày, những công ty sản xuất hợp đồng thuê ngoài hiện có xu thế thiên về nâng cao năng suất nhờ tự động hóa.
Hãng Adidas tại Indonesia cho biết họ muốn cắt giảm 30% lao động trong mảng cắt may nhằm tiết kiệm chi phí, thay vào đó là những thiết bị tự động và máy móc.
Trong khi đó, tập đoàn may mặc Hung Wah tại Campuchia cho biết họ đã loại bỏ toàn bộ số lao động thủ công trong khâu cắt may.
Không dừng lại ở đó, công nghệ in ấn 3D cũng những kỹ thuật tiên tiến khá có thể giúp các nhà máy đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với một tốc độ vượt xa so với sử dụng lao động thủ công.
Tồi tệ hơn, các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể từ bỏ thuê ngoài sản xuất và sử dụng công nghệ tiên tiến tại nước mình.
Dẫu vậy, một điều khá may mắn là nhu cầu hàng dệt may, da giày tại Châu Á đang ngày một tăng khi kinh tế và mức sống đi lên, qua đó khiến việc đặt nhà máy tại khu vực này là quyết định không hề tồi.
Tuy nhiên kể cả như vậy, rõ ràng là các lao động giá rẻ trong ngành dệt may, da giày đang đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi các công xường tiến dần hơn tới tự động hóa và sa thải bớt nhân viên.
Lao động giá rẻ sắp hết thời
Ngành thời trang “ăn liền”, một trong những ngành sản xuất tận dụng triệt để lợi thế chi phí nhân công nhằm rút ngắn thời gian sản xuất đã hoành hành trên thị trường thế giới suốt 20 năm qua với những cái tên khá nổi tiếng như H&M, Zara...
Tuy nhiên, giờ đây chính những công ty thời trang “ăn liền” này đang chuyển hướng sang công nghệ khi họ nhận ra lợi thế lao động giá rẻ chẳng thể tồn tại lâu nữa.
Zara đã đầu tư nhiều công nghệ sản xuất tự động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy, đặc biệt là hãng đã phất triển công nghệ thông tin, dữ liệu trực tuyến để truyền tải các đơn hàng trực tiếp về trụ sở nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất.
Thậm chí, ông lớn Adidas còn gây bất ngờ khi xây dựng thêm nhà máy tại Đức lần đầu tiên sau nhiều năm thuê ngoài vào năm 2016 và dự kiến xây một nhà máy nữa tại Mỹ vào năm 2017. Đây là một điều bất ngờ với giới chuyên gia khi công ty này có khoảng 55% sản phẩm là được thuê ngoài sản xuất từ Đông Nam Á.
Một yếu tố nữa đe dọa đến mảng sản xuất sử dụng lao động là sự gia tăng của ngành thời trang công nghệ (Wearable Electronics Business) khi kết hợp các công nghệ điện tử tiên tiến vào may mặc.
Chắc chắn những sản phảm này không thể dùng nhiều lao động mà chủ yếu được sản xuất bằng máy móc và nhiều chuyên gia dự đoán mảng kinh doanh này sẽ đạt tổng giá trị 70 tỷ USD vào năm 2025.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như các ký thuật tiên tiến, việc các nhà máy quyết định dịch chuyển từ tận dụng lao động giá rẻ sang tận dụng máy móc là điều dễ hiểu.
Riêng tại Việt Nam, ngành thời trang mới chỉ đầu tư vào công nghệ tự động cắt may từ năm 2015. Theo đó mỗi máy cắt may tự động có thể thay thế được khoảng 15 công nhân và doanh nghiệp có thể thu hồi chi phí đầu tư trong vòng 18 tháng kể từ ngày mua máy.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 tại Mỹ cho thấy nếu thay 3 công nhân làm máy khâu bằng một chiếc máy tự động, công ty có thể tiết kiện được 180.000 USD trong vòng 5 năm.
Với yếu tố này, nhiều khả năng trong tương lai ngành dệt may, da giày tại Mỹ cũng như các nước Phương Tây sẽ sống lại sau nhiều năm điêu đứng vì Châu Á.
Ví dụ điển hình là nhà máy sản xuất sợi cotton Parkdale tại Mỹ đã từng đóng cửa từ thập niên 90 nhưng đã hoạt động lại vào năm 2010.
Nhà máy này hiện sản xuất 1,1 tấn sợi mỗi tuần chỉ với 140 công nhân, mức sản lượng cần tới hơn 2.000 lao động nếu vào năm 1980. Theo CEO Anderson Wartick của Parkdale, chính yếu tố công nghệ và tự động hóa đã hồi sinh lại nhà máy này.
Trong khi đó, nghiên cứu của ILO cho thấy các doanh nghiệp dệt may, da giày tại Thái Lan và Trung Quốc sẽ ngày càng có lợi nếu đầu tư và tự động hóa trong sản xuất, đặc biệt là đầu tư sau năm 2020 khi chi phí công nghệ rẻ dần còn giá nhân công lại đi lên.
Cụ thể vào năm 2025, chi phí nhân công tại Trung Quốc sẽ đắt hơn 50% so với sử dụng máy tự động và tỷ lệ này là ngang nhau tại Thái Lan.
Tồi tệ hơn, nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng Trung Quốc, thị trường lớn của ngành sản xuất cũng như tiêu dùng may mặc, da giày đang dần chuyển sang tự động hóa trước xu thế chi phí lao động tăng cao và điều này có thể ảnh hưởng mạnh đến Đông Nam Á.
Ngành dệt may xuất khẩu Trung Quốc hiện đã dùng ít lao động hơn với độ tự động hóa ngày một tăng. Năm 2014, Trung Quốc giao dịch khoảng 25% tổng số thương vụ robot của toàn thế giới và tỷ lệ này đang ngày một tăng lên.
Với đà phát triển như vậy, liệu các nước Đông Nam Á có cạnh tranh được với Trung Quốc về năng suất và hiệu quả trong ngành dệt may sau 5-10 năm nữa hay không vẫn còn là một câu hỏi?