Vĩnh biệt “xưởng mồ hôi”
(TBKTSG) - Trong hơn 30 năm qua, danh từ “xưởng mồ hôi” (sweatshop) gợi lên một hình ảnh rất đặc trưng: hàng ngàn công nhân châu Á với đồng lương thấp cặm cụi làm ra những sản phẩm quần áo, giày dép cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong những xưởng may đông đúc và kém an toàn. Hình ảnh đó đã kích hoạt các chiến dịch tranh đấu cho nhân quyền, làm thay đổi cách thức mà các công ty lớn đặt nguồn hàng và cung cấp thông tin (thường không chính xác) cho các chính trị gia ở các nước giàu trong việc hoạch định chính sách thương mại.
(TBKTSG) - Trong hơn 30 năm qua, danh từ “xưởng mồ hôi” (sweatshop) gợi lên một hình ảnh rất đặc trưng: hàng ngàn công nhân châu Á với đồng lương thấp cặm cụi làm ra những sản phẩm quần áo, giày dép cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong những xưởng may đông đúc và kém an toàn. Hình ảnh đó đã kích hoạt các chiến dịch tranh đấu cho nhân quyền, làm thay đổi cách thức mà các công ty lớn đặt nguồn hàng và cung cấp thông tin (thường không chính xác) cho các chính trị gia ở các nước giàu trong việc hoạch định chính sách thương mại.
Giờ đây hình ảnh đó đang chìm dần vào lịch sử bởi vì, ít nhất ở châu Á, các yếu tố làm cho “xưởng mồ hôi” trở thành một phần không thể xóa bỏ của công cuộc công nghiệp hóa đã bắt đầu nhường chỗ cho công nghệ. Một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hơn hai phần ba trong số 9,2 triệu việc làm trong ngành dệt may và da giày ở Đông Nam Á đang bị công cuộc tự động hóa đe dọa. Trong số này, có 88% số việc làm ngành da giày và dệt may của Campuchia, 86% của Việt Nam và 64% của Indonesia.
Đây có phải là điều tốt cho công nhân nói chung hay không là chuyện còn phải bàn cãi, nhưng có một điều chắc chắn: thời cực thịnh của các “xưởng mồ hôi” châu Á đã đi đến lúc cáo chung.
Không ở đâu mà sự cáo chung đó được thấy rõ hơn ở Campuchia. Từ giữa thập niên 1990, các thương hiệu thời trang toàn cầu đã bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất tới Campuchia để tận dụng lao động giá rẻ, quy định luật pháp lỏng lẻo và số lượng lớn cư dân nông thôn đang thèm muốn các công việc có hưởng lương ở thành phố. Kết quả là một sự bùng nổ: đến năm 2015, xuất khẩu hàng dệt may và da giày của Campuchia đã là ngành công nghiệp tạo ra 6,3 tỉ đô la Mỹ hàng năm, đóng góp khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Campuchia.
Trong những điều kiện tốt nhất thì công việc làm trong ngành dệt may và da giày vẫn là công việc đơn điệu và nhàm chán; còn trong những điều kiện tồi tệ thì đó là công việc thấp kém và nguy hiểm. Thế nhưng, 630.000 công nhân dệt may và da giày Campuchia vẫn sống được và có của ăn của để: bình quân tiền lương tháng của họ đã tăng từ 145 đô la Mỹ lên 175 đô la Mỹ trong hai năm 2014-2015 - một mức thu nhập không tệ ở một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người chưa tới 1.000 đô la Mỹ mỗi năm. “Thành tích” của Campuchia cũng đã xảy ra ở khắp châu Á, đặc biệt là ở những “cường quốc dệt may” như Trung Quốc và Việt Nam.
Thế nhưng, câu chuyện đang chuyển theo chiều hướng khác. Cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các nền kinh tế có nhân công rẻ đã đẩy giá sản phẩm dệt may xuống thấp trên khắp thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2006-2015, giá bình quân của một sản phẩm dệt may Campuchia xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã giảm 24%. Đối với nhà công nghiệp, giá giảm mà lương công nhân không giảm là điều không thể chấp nhận được; cho nên tăng lương ngành dệt may có thể gây ra khủng hoảng.
Để ứng phó, một số nhà công nghiệp đã phải đóng cửa nhà máy. Một số công ty dệt may Trung Quốc đã chuyển nhà xưởng tới Đông Nam Á, nơi họ hy vọng mức lương thấp sẽ còn duy trì được một thời gian nữa.
Tuy nhiên, hy vọng đó không kéo dài và họ phải chọn một trong hai cách: hoặc là thương lượng với những khách hàng lớn như Nike, H&M và các thương hiệu khác để đòi giá cao hơn, hoặc tìm cách cải tiến và tăng năng suất.
Do các nhà máy dệt may, da giày ở châu Á không đủ tiềm lực để gây sức ép với các thương hiệu lớn, các cuộc thương lượng đòi giá cao hơn thường không thành công; họ phải chọn cách thứ hai: đầu tư cải tiến công nghệ để tăng năng suất.
Trong số những công nghệ mới được đưa vào các nhà máy dệt may, có lẽ phổ biến nhất là máy cắt vải, tự động thực hiện một công đoạn chán ngắt, lặp đi lặp lại của quy trình sản xuất: cắt vải thành từng mảnh theo mẫu mà người công nhân sẽ ráp lại thành quần áo, giày dép. Các nhà quản lý tính ra rằng, thời gian khấu hao để thu hồi vốn đầu tư một công nghệ như vậy là khoảng 18 tháng - không quá dài; cho nên việc đầu tư cải tiến công nghệ, trang bị máy cắt vải đang nở rộ, cho thấy thời mà công nhân phải dùng kéo để cắt vải đã sắp qua.
Công ty Adidas Indonesia có kế hoạch giảm tỷ lệ lao động cắt vải thủ công xuống còn 30% so với hiện nay; còn Công ty Hung Wah Garment Manufacturing của Campuchia muốn “xóa sổ” ngay bộ phận cắt vải thủ công.
Mà đây chỉ là bước khởi đầu. Công nghệ in 3D và các công nghệ đang nổi lên khác sẽ giúp cho nhà sản xuất đáp ứng các yêu cầu đặc thù của từng khách hàng với chất lượng cao nhất từ trước tới nay, với tốc độ mà các “xưởng mồ hôi” không hình dung nổi, mà lại sử dụng rất ít lao động. Tệ hơn nữa đối với các lao động châu Á là trong tương lai các công ty thời trang phương Tây có thể sẽ chuyển các công nghệ sản xuất hàng dệt may và da giày trở về nước họ và dần dần “xóa sổ” những nhà máy dệt may đang đặt tại các nước có giá nhân công rẻ.
Tin tốt là các công nhân châu Á đã có cuộc sống khấm khá hơn, trở thành người tiêu dùng những mặt hàng dệt may và da giày mà họ sản xuất ra; trong tương lai họ có thể tiêu nhiều tiền hơn cho quần áo, giày dép.
Nhưng tin xấu là chưa có cách thức rõ ràng nào để hấp thụ những lao động kém may mắn, những người bị mất công ăn việc làm do công nghệ tự động hóa gây ra.
Không cần luyến tiếc cho sự biến mất của các “xưởng mồ hôi”, nhưng có lý do để lo lắng rằng châu Á vẫn chưa tìm được giải pháp nào để thay thế cho các xưởng ấy.
http://maymaygiaydachidang.commaymaygiaydachidang.com